TRƯỚC KHI SINH CON THỨ 2, BỐ MẸ NHẤT ĐỊNH PHẢI BIẾT ĐIỀU NÀY
1. Không nên để con lớn ngủ một mình
Sau khi sinh con thứ 2, chúng ta sẽ có vô vàn lý do để cho đứa lớn ra ngủ riêng như là giường chật quá, sợ con đè vào em hay là sợ em quấy làm phiền con… Thế nhưng chúng ta có thể đặt mình vào vị trí của con mà cảm nhận. Tại sao vừa có em, tình yêu của bố mẹ dành cho mình lại bị bớt xén đi, đến cả chỗ ngủ cũng bị chiếm mất? Do đó, các cha mẹ có thể nghĩ đến việc cho con ngủ riêng từ trước khi có em, hoặc là 1 đứa ngủ với bố 1 đứa ngủ với mẹ còn không thì cả nhà nằm chung 1 giường cũng không sao.
2. Đừng đánh mắng con trước mặt anh/chị/em
Hầu như bố mẹ nào cũng thế, lúc đánh con thì rất hùng hổ nhưng đánh xong lại ân hận, muốn làm mọi cách để bù đắp cho con, vì thế mà em tôi hay bị đòn cũng hay được dỗ dành. Mỗi lần đánh nó xong, bố mẹ lại nói: “Bố mẹ đánh con là vì thương con, muốn tốt cho con”.
Nỗi đau của em trai khi bị đánh, tôi không cảm nhận được nhưng những câu nói, hành động dỗ dành thế này, tôi lại nghe lại thấy được hết. Dần dần, tiềm thức của tôi có suy nghĩ rằng: Vì yêu nên mới đánh, bị đánh chính là hạnh phúc.
Vì thế nên tôi thường cố ý gây chuyện để “được” chịu đòn, mỗi lần như thế, tôi đều cắn chặt răng không nhận mình sai để bố mẹ đánh mình thật đau thật mạnh nhưng rất tiếc, sau đó tôi không cảm nhận được sự dỗ dành của họ bởi trong lòng tôi chỉ còn toàn sự tức giận.
3. Các con đánh nhau, bố mẹ không nên can thiệp
Hồi nhỏ, hàng xóm thường bảo chị em tôi là: “Ngày nào 2 đứa không đánh nhau đúng là mặt trời mọc ở đằng Tây”. Thuở ấy, chúng tôi ngày nào cũng đánh nhau, sau này lớn tôi đi học nội trú nhưng mỗi lần về nhà 2 chị em lại đánh nhau, chành chọe đến khi lên đại học mới thôi.
Thật ra quan hệ của chị em tôi luôn rất tốt đẹp nhưng chẳng hiểu sao suốt ngày cứ đánh nhau. Bây giờ tôi mới biết, thì ra chúng tôi ai cũng muốn được bố mẹ quan tâm đến, muốn dùng cách đó để xem ai được yêu thương nhiều hơn.
Việc bố mẹ đứng ra làm “tòa án” cũng không thể khiến các con thôi đánh nhau đâu. Nếu muốn đánh nhau, cứ để chúng đánh, người lớn đừng can thiệp vào, đánh chán rồi tự chúng sẽ tìm được cách để làm hòa với nhau.
4. Không được mang 2 con ra so sánh
Mỗi đứa trẻ đều có ưu điểm và khuyết điểm riêng, bố mẹ nên là người giúp con phát huy ưu điểm chứ không phải lúc nào cũng nói: “Con xem bạn A B C.... như thế, sao không học tập người ta?”.
Hồi nhỏ, tôi rất ghét khi thấy em trai bị bố mẹ mắng là: “Tại sao trên lớp con không nghe giảng, chỉ cần con tập trung 5 phút thôi, thành tích đã tốt hơn chị con tập trung 45 phút rồi. Con thông minh, con là thỏ, chị con là rùa nhưng bây giờ rùa cũng vượt thỏ rồi, thỏ vẫn còn đang mê ngủ!”. Thằng bé thỏ bị mắng ấm ức khóc òa lên, còn chị rùa như tôi cũng chỉ biết lặng lẽ đứng bên cạnh.
Cách mắng này của mẹ khiến em tôi tự tin một cách thái quá còn tôi thì chìm đắm trong sự tự ti, bằng mọi cách phải giành lấy sự công nhận từ bố mẹ. Chẳng phải họ nói thành tích của tôi tốt chỉ vì tôi cố gắng thôi hay sao? Thế thì tôi sẽ làm ngược lại, tôi không học bài nữa, tôi trốn học đi xem phim, rồi vẽ nhăng vẽ cuội trong bài thi, kết quả bài thi giữa kỳ của tôi còn dưới 30 điểm, xếp thứ 3 từ dưới lên của lớp. Rồi đến cuối kỳ tôi lại chịu khó vài hôm, giành được vị trí cao nhất cho họ xem, chẳng phải họ nói tôi kém thông minh hay sao? Mọi người đều nói rằng, tôi là thiên tài ban Xã hội, thế thì tôi sẽ chọn ban Tự nhiên, học lên thạc sĩ để chứng minh cho họ thấy thôi không phải con ngốc.
Tôi cố chứng minh bản thân với những người không muốn công nhận mình, như thế mãi mãi tôi sẽ chẳng bao giờ thành công, đáng nói hơn là, tôi đã tự làm mình bị tổn thương.
5. Nói với con rằng, tình yêu bạn dành cho bé sẽ không vì bất cứ ai mà thay đổi
Khi gia đình có con thứ 2, người lớn hay nói: “Mẹ con không yêu con nữa đâu mà yêu em trai con cơ”.
Là bố mẹ, xin đừng để người khác nói với con bạn những câu như vậy, người lớn đều hiểu câu nói đó là đùa nhưng đứa trẻ không hiểu, chúng sẽ thật sự cảm thấy tổn thương, tuyệt vọng, sẽ thăm dò xem có phải bố mẹ muốn bỏ rơi mình thật không.
6. Giải thích với con lớn: Cho em bú sữa không ảnh hưởng gì đến tình yêu của mẹ
Mẹ cho em trai bú sữa đến hơn 2 tuổi còn tôi, rất tiếc là chưa từng được nếm qua hương vị sữa mẹ. Thật sự, tôi rất ghen tỵ vì cho rằng đây là biểu hiện của việc mẹ không yêu tôi.
Tất nhiên bây giờ tôi đã hiểu không phải mẹ không muốn cho tôi bú mà khi ấy mẹ mới sinh lần đầu, chưa có kinh nghiệm cũng không ai hướng dẫn nên không biết cách nuôi con bằng sữa mẹ.
Các mẹ nhất định phải nói với con đầu lòng điều này: mẹ cho em bú bởi vì em còn nhỏ, em chưa biết ăn cơm chứ không phải vì mẹ yêu em hơn con.
7. Đừng bắt con nhường em chỉ bởi vì con là anh/chị
Câu nói này được xem như là câu cửa miệng của những gia đình có đông con: “Con là anh nên đồ chơi nhường em chơi trước, con là anh con phải nhường em đồ ăn vặt, con là anh nên con không được đánh lại em”.
Thử nghĩ mà xem, liệu có mấy đứa trẻ nghĩ được rằng: “Đúng, mình là anh, nên mình phải nhường em hết” hay là chúng lại nghĩ rằng: “Mẹ không yêu mình, mẹ yêu em hơn nên mới bắt mình nhường em”. Tâm lí của những đứa con lớn trong gia đình sẽ hiểu rằng, mình phải nhường cả bố mẹ cho em.
Cứ thế, đứa trẻ sẽ lớn lên với một cảm giác thiếu an toàn trầm trọng, tại sao mình phải nhường? Bởi vì mình không đủ tốt. Đối với những đứa trẻ chỉ cách nhau chưa đến 2 tuổi, cảm giác này sẽ càng mạnh hơn.
8. Mỗi đứa trẻ đều cần có “khoảng thời gian đặc biệt”
Kể từ khi có đứa thứ 2, bố mẹ càng ít thời gian rảnh rỗi, nhưng dù vậy, bạn vẫn phải dành thời gian để bầu bạn riêng với mỗi đứa con.
Nếu có thể, hãy gửi con nhỏ cho người thân rồi cùng con lớn đi chơi riêng khoảng nửa ngày; khi con lớn đi học, hãy thân thiết hơn với con nhỏ. Mặc dù đó chỉ là những sự sắp xếp rất đơn giản nhưng đối với các con, điều đó mang những ý nghĩa sâu sắc cùng tình cảm to lớn.
Thông qua “khoảng thời gian đặc biệt” đó, các con có thể cảm nhận rõ ràng tình yêu mà bố mẹ dành cho mình, kể cả trong lòng có gì bất mãn với bố mẹ hay có nỗi buồn nào đó, con cũng có thể chia sẻ hoặc xóa bỏ tất cả sau “khoảng thời gian đặc biệt” bên bố mẹ mình.
Bình luận