Trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi bị ho: Mẹ đừng xem nhẹ

Bố mẹ hãy bình tĩnh, hãy theo dõi tiếng ho của trẻ cùng với các triệu chứng đi kèm để xác định nguyên nhân gây bệnh và xử trí kịp thời, đúng cách nhé.

Xác định nguyên nhân trẻ sơ sinh bị ho

Hệ hô hấp của trẻ sơ sinh còn non nớt, do đó rất dễ bị tấn công bởi các tác nhân, mầm bệnh từ môi trường xung quanh, nhất là với trẻ sinh non, trẻ không được bú sữa mẹ, trẻ mắc bệnh lý hô hấp bẩm sinh,…

Ho chính là phản ứng của cơ thể để tự bảo vệ mình, giúp tống xuất các chất bài tiết (đờm, nước mũi), các dị vật gây kích thích và các vi khuẩn bám vào đường hô hấp ra ngoài, giúp làm sạch đường thở.


Trẻ ho để tống xuất đờm, dị vật, vi khuẩn,… ở đường thở ra ngoài

Khi trẻ dưới 1 tháng tuổi bị ho, bố mẹ hãy quan sát kỹ triệu chứng ho của trẻ vì dấu hiệu của cơn ho sẽ giúp bố mẹ xác định được nguyên nhân trẻ bị ho do đâu.

Ho khan: Đây là loại ho thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh. Ho khan thường xảy ra khi thanh quản bị viêm hoặc đó là phản ứng của khí quản khi nhiệt độ xuống thấp khi về đêm.

Ho kèm theo tiếng thở khò khè: Do đường thở phía dưới của trẻ tăng tiết dịch nhầy, thường do nhiễm vi khuẩn, virus hoặc có dị vật gây vướng trong khí quản của trẻ.

Ho kéo dài hoặc thường xuất hiện vào ban đêm: Do trẻ bị dị ứng thời tiết, hoặc bị nhiễm lạnh.

Ho đột ngột sau đó kéo dài dai dẳng, kèm theo tiếng thở rít: Có thể trẻ bị hen suyễn do tiếp xúc với khói thuốc lá, lông thú nuôi, bụi, phấn hoa,…

Ho dai dẳng kéo dài đi kèm với khó thở, sốt cao 39 – 40°C hoặc cao hơn: Có thể trẻ bị viêm phổi, viêm phế quản hoặc viêm họng cấp.

Cơn ho kéo dài, xuất hiện tự nhiên hoặc do một kích thích nhỏ. Ban đầu trẻ chỉ xuất hiện những cơn ho nhẹ, sau đó ho nhiều, ho dữ dội kèm theo tiếng thở rít, sốt nhẹ. Sau mỗi cơn ho, da mặt trẻ tím tái do bị ngưng thở, chảy nước mũi, nôn trớ nhiều đờm. Đó chính là những dấu hiệu của bệnh ho gà.

Trẻ sơ sinh bị ho nên làm gì?

Với trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi, bố mẹ không nên tự ý cho trẻ dùng thuốc mà không tham khảo ý kiến của bác sĩ, đặc biệt là thuốc kháng sinh và thuốc chống dị ứng histamine. Nên hạn chế cho trẻ dùng thuốc kháng sinh sớm để tránh gây kháng kháng sinh.

Nếu trẻ sơ sinh bị ho nhẹ, bố mẹ lưu ý không cần cho trẻ dùng thuốc, chỉ cần chăm sóc đúng cách: giữ ấm, tránh gió, ngủ đủ giấc kết hợp với dinh dưỡng đầy đủ, bệnh có thể tự khỏi sau vài ngày mà không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ.

Khi trẻ sơ sinh có triệu chứng ho, bố mẹ hay quan sát kỹ lưỡng và thực hiện theo “cẩm nang” cách chữa ho cho trẻ sơ sinh dưới đây.

Cho trẻ bú mẹ nhiều hơn

Sữa mẹ không chỉ cung cấp dinh dưỡng mà còn là nguồn kháng thể tự nhiên chống vi khuẩn cho trẻ, giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch để bé có thể tự khỏi bệnh mỗi khi “ốm xoàng” mà không cần dùng đến thuốc kháng sinh.

Để chữa ho cho trẻ sơ sinh, mẹ đừng quên cho trẻ bú nhiều hơn

Khi bé sơ sinh bị ho, mẹ hãy tăng số cữ bú của trẻ trong ngày bằng cách chia nhỏ lượng sữa mỗi lần bé bú. Sữa mẹ chính là “liều thuốc” giúp làm tan đờm nhanh chóng, hạn chế những cơn ho kéo dài dai dẳng.


Theo dõi thân nhiệt của trẻ

Khi trẻ dưới 1 tháng bị ho, bố mẹ hãy theo dõi nhiệt độ của trẻ 2-3 tiếng một lần và nên đô tại hậu môn. Nếu trẻ sốt trên 38°C, cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện, không nên tự áp dụng các phương pháp hạ sốt thông thường.

Vệ sinh mũi cho trẻ

Trẻ sơ sinh không thể tự xì mũi, cho nên cần sự giúp đỡ của mẹ để tống xuất hết lượng chất nhầy này ra ngoài. Mẹ nên hút mũi cho trẻ kết hợp cùng dùng nước muối sinh lý vệ sinh mũi để vừa giúp làm dịu các mô bị kích thích cũng như loại bỏ các chất nhầy trong đường thở của bé.

Vỗ rung long đờm cho trẻ

Trong trường hợp trẻ ho có đờm, mẹ nên vỗ rung long đờm cho trẻ bằng cách khum bàn tay lại rồi vỗ đều vào lưng trẻ ở phần giữa 2 bả vai. Nên để trẻ nằm hoặc ngồi với tư thế đầu hơi dốc xuống rồi vỗ nhịp nhàng liên tục. Sau khi vỗ rung, trẻ có thể sẽ ho nhiều hơn và nôn khạc đờm. Nên vỗ rung vào lúc trẻ đói, tốt nhất là vào buổi sáng khi trẻ ngủ dậy và chưa ăn gì.

Massage gan bàn chân cho trẻ


Khi trẻ bị ho, mẹ hãy dùng một vài giọt tinh dầu như tinh dầu tràm cho vào lòng bàn tay, thoa đều rồi massage lòng bàn chân cho trẻ, đặc biệt là ở vị trí huyệt dũng tuyền (chỗ lõm nhất dưới gan bàn chân).

Hi vọng với những thông tin hữu ích trên mẹ có thêm kinh nghiệm chăm con, từ đó tìm được giải pháp hiệu quả, an toàn trị ho cho trẻ dưới 1 tuổi, đồng thời tạo bước đệm vững chắc cho sự phát triển toàn diện của trẻ.


Bình luận