Dạy Con Tự Lập Từ 5 Đến 7 Tháng Tuổi

Về ăn uống

Khi đã quen với việc ăn dặm ở độ tuổi 3 đến 5 tháng, thì ở giai đoạn này, mẹ nên kết hợp cho bé ăn dặm thêm các loại trái cây như chuối, bơ, xoài, dưa gang, bí đỏ, khoai tây… Mẹ nạo trái cây ra, cho vào tô và nghiền nát thành dạng bột, có thể trộn với sữa mẹ để đút cho bé ăn. Một mặt đút cho bé, một mặt cắt nhỏ vừa tay và cho vào tô để trước bàn ăn của bé, cho bé dọc chơi.


Thường thì trẻ con thích bôi trét đồ ăn chứ không ăn bao nhiêu, từ thói quen đặt bé vào vị trí khi ăn ở giai đoạn trước, thì đến bây giờ khi tới giờ ăn, bé sẽ có thêm lựa chọn là chơi cùng đồ ăn, điều này làm bé thích thú hơn với việc ăn dặm.

Các mẹ nên lưu ý, việc ăn dặm chỉ là bổ sung thêm vào khẩu phần ăn của bé, tuyệt đối không để bé ăn dặm mà cai luôn sữa mẹ, mẹ nên kết hợp giữa ăn dặm và sữa mẹ hợp lý vì sữa mẹ rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Về hoạt động

Đây là độ tuổi rất quan trọng trong sự thay đổi về hoạt động của bé, vì theo bản năng thì bé đã có thể lăn, bò và ngồi được

Khi bé biết lăn và bò, mẹ nên dành cho bé một không gian trong phòng thoáng để bé thỏa sức hoạt động. Mẹ có thể tự xây dựng một cầu thang thấp hoặc một lối đi hẹp cho bé bò, và nhất định là mẹ sẽ là người trực tiếp theo dõi để tránh những trường hợp bé lỡ chân ngã. Khi con lên cao, mẹ đừng nên bế con xuống, hãy luôn đứng sau và trong trạng thái sẵn sàng bất cứ lúc nào để đỡ con, hãy để cho bé tự lập nên thành tích của bạn thân để bé tự tin hơn. Đây cũng chính là cách mẹ dạy con tự lập khi còn bé.


Khi bé biết ngồi, sẽ là bước tiến quan trọng trong việc giao tiếp giữa bố mẹ và con. Bé ngồi được, nghĩa là bạn có thể đặt bé ngồi ở sàn, hoặc ghế có dây nịt bảo vệ, để đọc sách cho bé nghe, dạy bé các trò chơi thích hợp mà lúc nằm bé không thể làm được.

Phải đảm bảo xung quanh bé không có vật sắc nhọn hoặc các vật cản chân dễ vấp té. Các hàng rào không có mũi nhọn để tránh bị bé bò qua, nếu mẹ không có thời gian theo sát con, thì nên chặn các chân cầu thang lại để giữ an toàn cho bé.

Về nhận thức

Sự thay đổi về cơ thể cũng sẽ làm nhận thức của bé nhiều hơn, ở độ tuổi này bé đã biết phản kháng. Bé tỏ ra rất ồn ào, biểu lộ cho những người xung quanh biết là bé không hài lòng.


Hoặc đôi khi, nhiều lần nhìn thấy món đồ chơi yêu thích nhưng không thể tự với lấy được. Điều này làm bé cảm thấy thất vọng và phản ứng lại – đây cũng là những cảm xúc thường xuyên của bé trong những năm tiếp theo. Ở tháng thứ 7, bé đã cảm thấy khó chịu khi muốn lấy một thứ gì đó mà không thể với tới. Nhưng bạn đừng vội vàng giúp bé. Hãy để bé đối diện với thử thách để rèn luyện các kỹ năng vận động cũng như là nhận thức của mình. Mẹ sẽ dậy cho bé hiểu, muốn đạt được điều gì đó thì cần phải nổ lực nhiều hơn. Tuy sẽ có khó khăn vào thời gian đầu để bé nhận ra điều này, nhưng về lâu dài thì sẽ rất hiệu quả. Hãy để bé có thể tự mình làm mọi thứ có thể.


Bình luận