7 cách dạy con không cần đòn roi

Xã hội càng hiện đại thì giữa cha mẹ, con cái dường như càng xa cách và thậm chí rất phức tạp. Không ít các gia đình đã mất đi mối quan hệ tình cảm đạo đức tốt đẹp chỉ vì giữa cha mẹ và con cái không tìm thấy điểm tương đồng.

Sự bất đồng giữa cha mẹ và con cái trong một gia đình là điều không tránh khỏi, nhưng nếu cứ tiếp tục để những bất đồng nhỏ lớn dần, nó có thể phá vỡ mối quan hệ truyền thống trong gia đình. Thậm chí có nhiều em trở nên ghét về nhà, ghét chính những người đã sinh ra mình. Con cái càng lớn thì sự tương đồng trong suy nghĩ và lối sống với cha mẹ càng nhỏ. Sự phức tạp trong mối quan hệ ấy đang ngày càng trở nên nhức nhối đối với cả xã hội.


Cha mẹ đang đeo cặp kính của mình cho con cái mình. Những gì cha mẹ cho là tốt nhất thì làm cho con mà không hiểu rằng nó có phù hợp với con cái của mình hay không?

Cha mẹ luôn có suy nghĩ các con còn quá nhỏ, và không thích nghi được với sự lớn nhanh trong suy nghĩ của con cái, dẫn đến áp đặt làm các con có cảm giác ngột ngạt

Yêu thương con cái quá mức: Điều đó khiến các con bị động, thậm chí có những em cảm thấy xấu hổ vì cha mẹ cứ bao bọc ngay cả khi trước mặt bạn bè của con.

Nghiêm khắc quá mức: Bên cạnh việc yêu thương con, có những cha mẹ đang nghiêm khắc quá mức với con cái của mình. Cha mẹ quản lý khắt khe giờ giấc, bạn bè và việc học của con. Tất cả những điều đó khiến các em tìm cách thoát ra khỏi khuôn khổ của cha mẹ.

Ở những độ tuổi khác nhau, trẻ em có những tâm lý và tính cách đặc chưng, đồng thời sự tác động quá lớn của cuộc sống hiện đại khiến cho các em dễ dàng bị thay đổi, và ảnh hưởng.

Làm thế nào để tạo dựng mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái

Xây dựng văn hóa gia đình bình đẳng giữa cha mẹ và con cái: Cha mẹ nên tôn trọng ý kiến cá nhân và tính cách của các con; tạo cho con cảm giác thoải mái và tin tưởng ở cha mẹ của mình.

Cha mẹ cần lắng nghe những tâm sự của con cái, chú ý tới những thời điểm bước ngoặt trong tâm sinh lý của các con. Cha mẹ nên đặt mình vào vị trí của con để nhìn nhận vấn đề. Khi ấy các con sẽ có tâm lý thoải mái và sẵn sàng chia sẻ, tâm sự với cha mẹ.

Cha mẹ nên tôn trọng suy nghĩ của con cái và tạo cho con thói quen tự lập, độc lập trong suy nghĩ, hành động.


Cha mẹ hãy là tấm gương sáng cho con

Mọi hành động của cha mẹ đều khiến các con bị ảnh hưởng ít nhiều, do đó để tạo dựng hình ảnh cha mẹ mẫu mực, đáng kính và đáng tin trong lòng con cái, cha mẹ cần là một tấm gương trong lời ăn tiếng nói hàng ngày cũng như cách cư xử, hành động.

Cha mẹ cần phân tích cho con hiểu vấn đề: Bất cứ chuyện nhỏ hay lớn trong cuộc sống hàng ngày cũng có thể khiến cha mẹ và con cái bất đồng nhau, những lúc như vậy cha mẹ nên kiên nhẫn phân tích cho con hiểu vấn đề và ngược lại cần nghe con nói về những điều bản thân các con trăn trở, ý kiến của các con.

Đáp ứng những nhu cầu vật chất và tình cảm vừa đủ cho con. Tránh tình trạng cha mẹ thiếu quan tâm, hoặc không chăm lo cho con cái khiến các con cảm thấy bị lạnh nhạt, chán nản. Sự quan tâm cả về vật chất và tình cảm của cha mẹ chính là động lực cho con cái trong học tập và rèn luyện đạo đức.

7 cách dạy con không cần roi dưới đây rất hữu ích cho các bậc cha mẹ:

1. Lùi lại: Hãy nói với con “Bây giờ ba mẹ đang rất cáu, chúng ta sẽ nói sau!” mỗi khi sắp không kìm được cơn giận.

2. Dạy con nghe lời: Thay vì phạt con vì không nghe lời, hãy tìm cách dạy cháu biết làm theo lời cha mẹ.

3. Luôn có tinh thần xây dựng: Luôn nhắc con chứ không phải trách con mỗi khi bé không nghe lời.

4. Giải thích nhưng không dọa nạt: Những nền tảng mà bạn cung cấp cho con luôn giúp con có những hành vi tốt hơn là lời quát mắng.

5. Cố gắng không nổi nóng: Thay vì thấy việc xấu con làm là quá nghiêm trọng, hãy coi đây là dịp để bạn hướng suy nghĩ của con tới những hành vi tốt.

6. Đừng ra lệnh: Không có gì gây khó chịu và kém hiệu quả hơn việc ra lệnh cho con làm gì đó chỉ vì cha mẹ thấy mình là người có quyền ra lệnh.

7. Không xúc phạm khi mắng con: Nhiều bà mẹ, ông bố thường quá lời khi mắng con. Những từ ngữ chua ngoa, sỉ nhục hoặc làm trầm trọng hóa khuyết điểm của con khiến đứa trẻ cảm thấy mình bị oan ức. Cháu sẽ tức giận và “trả thù” bằng cách không nghe lời.

Gia đình là tế bào của xã hội, mối quan hệ đạo đức trong gia đình là nền tảng để hình thành nhân cách mỗi con người. Do đó hãy xây dựng tính cách cho con ngay trong chính quan hệ tình cảm gia đình.


Bình luận