TRẺ SƠ SINH BỊ NỔI MẨN ĐỎ-NHỮNG ĐIỀU MẸ CẦN BIẾT

Trẻ bị nổi mẩn đỏ là hiện tượng dễ gặp ở hầu hết các trẻ sơ sinh, các mẹ thường cho rằng đây là hiện tượng bệnh lý bình thường và sẽ hết sau vài ngày. Tuy nhiên điều này còn có thể là biểu hiện của những căn bệnh ngoài da mà mẹ cần phát hiện sớm để có những biện pháp chữa trị kịp thời.

Khi trẻ bị nổi mẩn đỏ thường sẽ rất khó chịu và có biểu hiện quấy khóc, lười bú, biếng ăn, thậm chí là hành sốt...Để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của con, mẹ hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân nổi mẩn đỏ và cách chữa trị thật an toàn hiệu quả cho bé nhé.

Nguyên nhân nổi mẩn đỏ ở trẻ:

Nguyên nhân nổi mẩn đỏ do tác nhân bên ngoài:

Do dị ứng thời tiết: Trẻ luôn quen với môi trường sống trong bụng mẹ,nên khi ra môi trường sống bên ngoài rất dễ bị kích ứng, điều này có thể khiến trẻ nổi mẩn đỏ. Để khắc phục tình trạng này mẹ có thể vệ sinh mặt cho bé bằng nước muối pha loãng.

Do thực phẩm hoặc sản phẩm chăm sóc da: Nếu thực phẩm ăn uống hằng ngày của mẹ có quá nhiều đạm hoặc trong thức ăn dặm của bé có chứa những thành phần làm bé dị ứng. Hay sữa tắm, dầu gội, sản phẩm dưỡng da bé cũng có thể là nguyên nhân gây ra mẩn đỏ.

Do muỗi, côn trùng cắn: Đây cũng có thể là tác nhân gây ra mẩn đỏ ở trẻ, mẹ cần diệt gậy và vệ sinh xung quanh nhà, che mùng khi bé ngủ. Với nguyên nhân này thì mẹ có thể dùng dầu tràm để xua đuổi muỗi và côn trùng hiệu quả.

Nguyên nhân do bệnh lý về da:

1. Ban đỏ

Đây là một loại phát ban rất phổ biến ở trẻ sơ sinh. Chúng là các nốt đỏ với đường viền không xác định, hơi nổi trên da của bé và đôi khi còn có những chấm trắng hoặc vàng ở giữa. Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị ban đỏ vẫn chưa xác định nhưng nó sẽ tự hết sau vài ngày hoặc vài tuần mà không cần điều trị đặc biệt.

2. Rôm ở mũi và mặt

Nguyên nhân xuất hiện rôm trên mặt bé là do khi mới sinh, các tuyến dầu trên da bị tắc nghẽn. Sau vài ngày, các tuyến dầu nở rộng ra và hoạt động được, các nốt rôm sẽ hết ngay.

3. Bệnh chàm (eczema)

Các nốt mẩn đỏ, gây ngứa xuất hiện trên ngực, tay, chân, mặt, khuỷu tay và kheo gối của bé. Nguyên nhân do da bé bị khô, nhạy cảm và đôi khi là vì dị ứng (khó để nói chính xác nguyên nhân gây nên tình trạng này ở trẻ khi còn quá nhỏ). Cha mẹ nên đưa con đi khám bác sĩ kiếm tra để biết rõ nguyên nhân và có cách điều trị phù hợp. Nếu bé bị bệnh, các bạn nên làm những việc sau:

- Dùng sữa tắm dịu nhẹ dành riêng cho trẻ sơ sinh

- Quần áo, khăn tắm của trẻ cần giặt bằng loại nước giặt chuyên dụng

- Thoa kem dưỡng ẩm cho bé thường xuyên

- Sử dụng thuốc dạng kem (theo chỉ định của bác sĩ) bôi trực tiếp lên các nốt mẩn đỏ nếu bệnh kéo dài.

4. Rôm sảy

Là những nốt mẩn nhỏ màu đỏ mọc chủ yếu ở các vùng trên cơ thể bé có xu hướng nóng quá và đổ nhiều mồ hôi như cổ, nách và bẹn. Các mẹ chỉ cần giữ cho các khu vực này khô và tránh để bé bị nóng bằng cách mặc quần áo rộng rãi, mát mẻ và chất liệu thấm mồ hôi thì rôm sẽ "biến mất".

5. Mụn trứng cá

Nguyên nhân gây mụn được cho là vì phơi nhiễm trong tử cung của mẹ. Chúng có thể kéo dài hàng tuần, có thể hàng tháng trên da bé nhưng không cần thiết phải điều trị, chỉ cần sau một thời gian các nốt mụn sẽ tự biến mất.

6.Nhiễm nấm Candida

-Nấm candida có thể mọc ở rất nhiều nơi từ trong miệng cho đến da bên ngoài.

- Với nấm Candida ở miệng: ban đầu xuất hiện dưới dạng 1 hay nhiều đốm trắng ngà nổi lên và ửng đỏ. Ở vị trí má nấm sẽ mọng nhanh hơn và đôi khi có thể mọc ở nướu răng, vòm họng hay lưỡi.

- Đối với nấm Candida mọc ở ngoài da thì chúng không hay ở các vị trí da bình thường mà mọc ở các vùng da đã bị tổn thương như dị ứng, chàm. Loại nấm này thường mọc sâu ở những ở bẹn hoặc xung quanh mông rồi lan nhanh ra vùng đùi và các vùng da khác. Vùng da bị nhiễm nấm trở nên đỏ ửng và xung quanh rìa có thể đóng vảy khô với những đốm đỏ nhỏ.

Nguyên nhân khiến nấm xuất hiện có thể do vùng miệng không được vệ sinh sạch sẽ sau khi ăn nên thức ăn mắc lại trong miệng bé là điều kiện lí tưởng cho nấm phát triển. Ngoài ra nấm còn dễ phát triển khi bé trong môi trường ấm và ẩm.

Khi thấy trẻ có triệu chứng của bệnh, tốt nhất bạn hãy đưa con đi khám bác sĩ để xác định chính xác bệnh và có cách chữa trị phù hợp.

Cách phòng tránh trẻ sơ sinh bị nổi mẩn đỏ

Da bé sơ sinh đặc biệt nhạy cảm. Vì thế, để tránh những kích ứng có thể khiến trẻ sơ sinh bị nổi mẩn đỏ ở mặt hoặc cổ và toàn thân các bậc cha mẹ nên chú ý làm những việc sau:

- Tắm cho bé thường xuyên để giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho bé.

- Vệ sinh cơ thể và đặc biệt là cùng miệng của bé sau khi ăn, bú

- Tránh đặt bé nằm ở nơi quá nóng hoặc ngột ngạt, ẩm ướt

- Hạn chế để trẻ dùng móng tay gãi, cào xước vùng da đang bị nổi mẩn ngứa

- Chọn chất liệu vải của quần áo trẻ sơ sinh sao cho có độ thấm hút tốt, mềm mại, thoáng mát và nếu được nên chọn loại vải làm từ sợi thiên nhiên.

- Trong thời gian cho con bú, các mẹ nên tránh những thực phẩm có khả năng gây dị ứng cao như hải sản, đậu phộng,… Bên cạnh đó, trong thời gian trẻ bị nổi mẩn đỏ, bạn nên hạn chế ăn những thức ăn quá mặn hay nhiều dầu mỡ.

- Các mẹ nên lưu ý chọn những loại sữa tắm, dầu gội đầu dành riêng cho trẻ sơ sinh và không chứa cồn, tính tẩy rửa mạnh và mùi không quá nồng.


Bình luận