​Tinh dầu tràm nguyên chất - một vị thuốc quý

Vì tinh dầu này được chưng cất từ cây tràm, còn có tên là chè đồng, chè cay (vì ở một số vùng nhân dân dùng lá cây này pha nước uống thay trà, lại mọc hoang ngoài đồng ruộng, vị hơi cay cay). Có nơi còn gọi cây khuynh diệp (khuynh là nghiêng, diệp là lá vì cây này có lá mọc nghiêng).


Cây tràm mọc hoang dại nhiều và được khai thác đầu tiên ở nước ta vào những năm 1928-1930 ở tỉnh Bình Trị Thiên sau đó ở một số huyện thuộc một số tỉnh miền Bắc như Bắc Thái, Hà Bắc, Vĩnh Phú nhưng mọc tập trung nhiều nhất hiện nay phải kể tới một số tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long như Long An, Đồng Tháp, Minh Hải (tên các tỉnh trước đây-CTQ), một số vùng ngoại thành TP.HCM…
Tinh dầu tràm nguyên chất lúc mới cất ra không có mầu hay chỉ có mầu vàng nhạt, nhưng trên thị trường ta thấy tinh dầu này có mầu xanh lá cây, mầu này do người ta pha trộn vào sau.
Tinh dầu tràm nguyên chất có mùi thơm nhẹ đặc biệt, tuy nhiên có một số người không ưa mùi thơm này bằng mùi tinh dầu bạc hà (cũng là một tinh dầu chữa được nhiều bệnh), nhưng chúng ta cần nhớ rằng, đặc biệt đối với những gia đình có trẻ nhỏ dưới 2 tuổi thì chỉ có tinh dầu tràm nguyên chất mới có thể dùng cho trẻ em dù ngay trong tháng mới sinh mà không sợ tai biến gì. Ngược lại, với tinh dầu bạc hà, tuyệt đối không dùng cho trẻ em nhỏ mới sinh, dưới 2 tuổi, vì người ta đã nhận xét thấy tinh dầu bạc hà có thể gây ngừng thở, ngừng tim mạch đột ngột, đặc biệt đối với trẻ sơ sinh.

Rất tiếc chúng tôi chưa có được một thông báo về tai biến này ở nước ta, phải chăng vì chúng ta chưa để ý, nhưng những tư liệu nước ngoài đã ghi nhận những tai biến ấy có khi nguy hại đến tính mạng trẻ em, dù chỉ dùng nhỏ mũi hay xoa lên trẻ sơ sinh một dung dịch có 1 phần trăm Mentol (một hoạt chất trong tinh dầu bạc hà mà tinh dầu bạc hà của ta có thể chứa từ 50 đến 90 % Mentol).


Cho đến gần đây người ta vẫn cho rằng hoạt chất của tinh dầu tràm là cineol hay cucolyptol. Nhưng mới đây, Baker và Smith tại trường đại học tổng hợp Sydney đã chứng minh rằng hoạt chất kháng sinh của tinh dầu tràm là một sesquitecpen có tên là Aromandren và một số chất khác thường đi kèm với chất cineol trong tinh dầu tràm. Cho nên chúng ta cần nghiên cứu xây dựng một tiêu chuẩn khác để đánh giá chất lượng tinh dầu tràm. Chúng tôi xin giới thiệu sau đây một số trường hợp mà trước đó các bệnh nhân trẻ em đã dùng nhiều kháng sinh đắt tiền, nguy hiểm như tetraxyclin, penixilin… không khỏi.

Tinh dầu tràm nguyên chất có thể dùng trong nhiều trường hợp sốt của trẻ em mà không cần uống hoặc tiêm thuốc gì khác: chỉ cần rửa sạch nách, bẹn, phần da mỏng trước khuỷu tay… sau đó tẩm tinh dầu tràm nguyên chất vào một túm bông nhỏ và xoa nhẹ túm bông này lên những chỗ da nói trên của trẻ nhỏ. Tinh dầu tràm sẽ nhanh chóng thấm qua da vào máu và truyền đi khắp cơ thể của trẻ nhỏ. Ngày làm như vậy từ 1 đến 3 lần tùy theo thể trọng của trẻ.
Nếu trẻ ho, viêm phổi, viêm họng, có thể xoa thêm vào trước ngực và hai bên vai để tinh dầu có thể vào phổi nhanh. Ta còn có thể thấm ít tinh dầu tràm vào áo nơi trước ngực trẻ em để trẻ hít thở không khí có mùi tinh dầu tràm đề phòng một số bệnh dễ lây qua đường hô hấp của trẻ.
Nếu trẻ ăn uống không tiêu, ỳ ạch, có thể dùng tinh dầu tràm xoa nhẹ quanh rốn của trẻ.

Tinh dầu tràm nguyên chất còn có thể dùng làm thuốc sát trùng, kháng sinh chữa bỏng lửa, vết thương nơi đứt tay, đứt chân (bôi thẳng tinh dầu vào) hoặc xoa lên những chỗ đau nhức.
Lẽ dĩ nhiên tất cả những chỉ định trên đây đối với trẻ nhỏ đều có thể áp dụng với người lớn, nhưng với liều lượng lớn hơn.
Và ta cũng có thể dùng tinh dầu tràm nguyên chất để uống chữa những trường hợp cảm cúm, sốt, viêm phổi, ăn uống không tiêu…(uống vài giọt tinh dầu tràm nguyên chất nhỏ vào cốc nước đường nóng, khuấy đều mà uống). Ngày uống như vậy 2-3 lần. Có thể kết hợp cả uống và xoa bôi ngoài hoặc chỉ cần xoa bôi ngoài.
Tất cả những chỉ định cũng như cách dùng trên đây, đặc biệt đối với trẻ em, chỉ dùng tinh dầu tràm nguyên chất, tuyệt đối không pha trộn với một loại tinh dầu nào khác,đặc biệt là tinh dầu bạc hà.


Bình luận