Tại Sao Phải Cần Mua Dầu Tràm ?

Cây tràm gió (melaleuca leucadedron L) mọc thành rừng tự nhiên ở Việt Nam. Rừng tràm phân bố nhiều ở Thừa Thiên-Huế và rải rác ở Quảng Bình, Quảng Trị, Long An, vùng Đồng Tháp Mười, Tây Ninh...


Phân tích thành phần hóa học của dầu tràm có rất nhiều chất, nhưng chỉ hai hoạt chất có tác dụng là Eucalyptol chiếm 42-52% và α-Terpineol chiếm 5-12%. Eucalyptol có tác dụng sát khuẩn nhẹ, long đàm, có hương thơm và mùi vị dễ chịu nên được dùng trong nhiều loại thuốc ho, nước súc miệng và mỹ phẩm... Hoạt chất α-Terpineol chiết xuất từ tinh dầu tràm chính là nguyên liệu để sản xuất nhiều thuốc sát khuẩn và nấm đặc hiệu dưới hai dạng sử dụng: bôi thoa trực tiếp hay dạng hít ngửi bay hơi.

Đã có nhiều công trình khoa học ở cấp Bộ Y tế, cấp Nhà nước nghiên cứu về tác dụng kháng khuẩn của α-Terpineol từ tinh dầu tràm. Và gần đây một nghiên cứu của OPODIS pharma (thực hiện tại Viện Pasteur TP.HCM năm 2008) cho thấy dầu thuốc sử dụng α-Terpineol tự nhiên chiết xuất từ dầu tràm có tác dụng ức chế virus cúm H5N1; còn tác dụng ức chế virus H1N1 hiện đang tiếp tục nghiên cứu. Từ năm 2008 tinh dầu tràm cũng được Bộ Y tế cho vào danh mục thuốc thiết yếu dành cho y tế cơ sở để kiểm soát bệnh địa phương (local diseases control).


Từ lâu dầu tràm đã được sử dụng rất rộng rãi trong cộng đồng để phòng ngừa cảm mạo, “gió máy” cho người già, người bệnh, sản phụ, trẻ nhỏ, kể cả sơ sinh. Thiết nghĩ dùng dầu tràm gió chiết xuất tự nhiên và các chế phẩm dẫn xuất dưới dạng xông, hít mũi trong phòng làm việc, phòng khách, phòng ngủ, trong ôtô... cũng là một biện pháp y tế dự phòng hợp tình, hợp lý và rất khoa học: vừa tạo hương thơm dễ chịu lại vừa sát khuẩn, ức chế virus, đặc biệt đang trong mùa cao điểm sốt, cúm như hiện nay.

Có 5 cách dùng dầu tràm:

1-Thoa hai bên thái dương, xương ức, xương sống...

2- Xông dầu trong phòng làm việc, phòng ăn, phòng ngủ...

3- Xông, hít, ngửi dầu vào vùng mũi họng.

4- Tắm nước ấm có pha thêm dầu.

5- Dùng dạng viên nang hay dung dịch uống.


Theo các công trình nghiên cứu về tinh dầu Tràm thì các hoạt chất của nó có hương thơm và mùi dễ chịu, ngoài ra còn có tác dụng sát khuẩn, long đờm. Gần đây người ta còn nghiên cứu xác định được tính ức chế virus A H5N1 của nó nên được dùng để bào chế các loại thuốc ho, chế phẩm để xông hơi, xông phòng hay hít ngửi. Nếu chúng ta dùng tinh dầu Tràm ở dạng tự nhiên để xông, hít trị ho, trị viêm mũi họng, vệ sinh phòng thì cũng đã là một biện pháp phòng ngừa bệnh rất tốt.


Bình luận