​Cách phân biệt các loại Tràm lấy tinh dầu hiện có ở Việt Nam?

Tràm năm gân và tràm trà là những loài mới nhập trong những năm gần đây, có triển vọng lớn trong việc phát triển tinh dầu, là loài được nhiều nước trồng và có tinh dầu được bán nhiều nhất trên thế giới.

Phân loại theo thành phần các chất chủ đạo chia thành hai nhóm chính:

Nhóm giàu tỷ lệ % terpinen-4-ol được gọi là tinh dầu Tràm trà (Tea tree oil)
Nhóm giàu tỷ lệ % 1,8-cineole được gọi là tinh dầu Tràm năm gân (Niaouli cineole oil).
Các loại tràm hiện nay đang có ở Việt Nam tràm cajuput (M. Cajuputi), tràm năm gân (M. quinquenervia), tràm trà (M. alternifolia), trong đó tràm cajuput là loài nguyên sản ở Việt Nam, tràm năm gân và tràm trà là những loài mới nhập trong những năm gần đây, có triển vọng lớn trong việc phát triển tinh dầu, là loài được nhiều nước trồng và có tinh dầu được bán nhiều nhất trên thế giới.

Tràm Trà

Tràm trà (Melaleuca alternifolia Maiden & E. Betche ex Cheel) là một trong những loài cây chính để sản xuất tinh dầu ở Australia và một số nước trên thế giới, là loài cây gỗ nhỏ đến gỗ nhỡ, có phân bố tự nhiên chủ yếu tại 28o54' đến 31o23' vĩ độ Nam ở bang New South Wales (NSW) của Australia. Tinh dầu tràm trà được sử dụng rộng rãi trong sản xuất mỹ phẩm, kem đánh răng, sữa tắm, dầu gội đầu, nước súc miệng, trị một số bệnh ngoài da, chữa viêm xoang, bảo quản lương thực, v.v.


Tràm năm gân

Tràm năm gân (Melaleuca quinquenervia (Cav.). S.T. Blacke) là loài cây gỗ nhỡ, có phân bố tự nhiên ở vĩ độ 8o21' đến 33o52' Nam, tại Papua New Guinea, đến ven biển Australia. Đây là loài được nhập vào nước ta từ đầu những năm 1990, có sinh trưởng nhanh hơn các xuất xư Tràm cajuput của ta, đã bước đầu được chọn giống theo hướng giàu 1,8-cineole. Tràm năm gân hiện đang được trồng khảo nghiệm tại Thạnh Hóa (Long An), Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế) và Ba Vì (Hà Nội) và đã chọn được một số giống có hàm lượng tinh dầu 1,4-1,8% (gấp đôi Tràm gió của ta), có tỷ lệ 1,8-cineole cao hơn 65%, trong khi Tràm gió của ta chỉ có tỷ lệ 1,8-cineole thường chỉ 15-50%, ít khi đạt 50-60%.

Tràm cajuput (tràm gió)


Tràm cajuput (Melaleuca cajuputi Powell) là loài cây bụi nhỏ, cây bụi và cây gỗ nhỡ, có phân bố tự nhiên ở nhiều vùng ven biển đến các tỉnh vùng trung du như Thái Nguyên, Vĩnh Phúc. Đây cũng là một trong những loài được dùng để sản xuất tinh dầu giàu 1,8-cineole. Tuy vây, các nghiên cứu gần đây cho thấy ở Việt Nam loài này cũng gồm hai nhóm là: (i). Nhóm giàu 1,8-cineole là Tràm gió (M. cajuputi subsp. cajuputi) tỷ lệ 1,8-cineole có thể 30-70%), có phân bố ở Việt Nam, Indonesia. (ii).Nhóm nghèo 1,8-cineole là Tràm cừ (M. cajuputi subsp. cumingiana) tỷ lệ 1,8-cineole chi ở dạng vết đến 0,7%, có phân bố ở Việt Nam và Thái Lan.



Bình luận